SmallTalk 01- PEC: Triển Vọng & các cơ hội đầu tư mới

11/09/2018         Pti 15 năm         admin

hoi thao

 

Là một phần trong chuỗi các hoạt động thường kỳ, tối ngày 10.03.2013 vừa qua, Small Talk số 1 với chủ để “Triển vọng kinh tế 2013 – cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” đã diễn ra sôi nổi tại hội sở của Cộng đồng doanh nhân PEC với sự tham gia thảo luận chia sẻ của 03 chuyên gia, diễn giả gồm ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương, và ông Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương

 

Trong buổi thảo luận lần này, đại diện từ các doanh nghiệp đối tác với PTI và các khách mời đã thẳng thắn trao đổi về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế trong năm 2012, đưa ra một số dự báo cho năm 2013, cùng nhiều gợi ý có tính chiến lược cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này. 

 

– Đài truyền hình Hà Nội đưa tin về Small talk – Triển vọng kinh tế 2013 Cơ hội cho các Doanh nghiệp Việt Nam

– Báo dan trí Đưa tin về Small talk với Tit bài: Sắp có lời giải cho 156.000 tỷ đồng nợ xấu

 

Theo đó, kinh tế trong nước và quốc tế năm vừa qua vẫn chưa có nhiều diễn biến tích cực. Khủng hoảng nợ công tại châu Âu, sự lung lay khối kinh tế – tài chính chung EEC, quá trình phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ, chiến tranh và vấn đề về giá nhiên liệu vẫn tiếp tục khiến cho kinh tế thế giới không ngừng có nhiều diễn biến bất lợi và khó dự đoán. Ở trong nước, mọi chỉ số đều cho thấy kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng khó khăn. Tổng cầu, tăng trưởng tín dụng, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hay thu hẹp hoạt động, tỷ lệ thất nghiệp, vv.. đều ở mức đáng lo ngại. Tuy thế, bên cạnh đó vẫn có một số điểm sáng khi nói về kinh tế Việt Nam năm qua: tỷ giá có xu thế ổn định hơn, lạm phát giảm rõ rệt tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiế cận nguồn vốn dễ dàng hơn, và đặc biệt là chính phủ khẳng định những điều chỉnh trong chính sách kinh tế – tài khóa sẽ không tạo ra biến động lớn,..

 

Tuy đã có một số dấu hiệu tốt, nhưng năm 2013 vẫn được dự đoán sẽ có nhiều hơn khó khăn cho các doanh nghiệp. Nắm bắt được nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp về những phương cách cụ thể giúp đối phó với khó khăn, các khách mời chuyên gia của chương trình đã gợi ý hai nhóm giải pháp trong ngắn hạn và trung hạn

 

Về ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng mặc dù chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa về vốn, về khung pháp lý và các chính sách ưu tiên khác, nhưng những nguồn lực này đều hữu hạn và cần thêm nhiều thời gian, nên doanh nghiệp thực tế cần phải chủ động tìm hiểu và giải quyết các vấn đề của mình. Cụ thể hơn, nếu như mở rộng kinh doanh sang nhiều ngành, nhiều mặt hàng sẽ đem lại nhiều lợi ích trong giai đoạn nền kinh tế diễn ra sôi nổi… thì ở vào thời điểm khó khăn, khi các nguồn lực và đầu ra đều hạn hẹn, doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào các ngành hàng hay sản phẩm mà mình có thế mạnh cạnh tranh nhất. Ngoài ra, M&A (mua lại và sáp nhập) cũng là một giải pháp cần xem xét nghiêm túc, và thực tế cũng nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm từ phía các doanh nhân và khách mời.

 

Về trung hạn, các chuyên gia khẳng định điều đầu tiên cần làm là xác lập tư duy mới: Lợi nhuận là mục tiêu, nhưng lợi thế cạnh tranh – nguồn gốc sâu xa của lợi nhuận mới là thứ cần được hướng đến. Như vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc một cách nghiêm túc. Tuy vậy, đây không phải là công việc dễ dàng mà cần tới những hiểu biết sâu sắc về bản thân doanh nghiệp theo nhãn quan kinh tế, cùng những kiến thức khoa học về tổ chức và kinh doanh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cập tới văn hóa doanh nghiệp, và sự coi trọng giá trị xã hội của doanh nghiệp như các yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững.

Hành trình liên quan