PHÁT MINH VĨ ĐẠI NHẤT CỦA CÁC NỀN VĂN HOÁ LÀ LỄ TẾT

13/01/2020         Bản tin PTI         admin

"Lễ Tết là dịp mỗi người xởi lởi với cộng đồng, với đời, nghiệm phát lại Sứ Mệnh của mình để vượng trong Thiên Địa Nhân." - Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI.

 

Bất cứ cộng đồng người nào, dù sống ở đâu cũng hình thành nên văn hoá. Nghĩa là những nhóm người có cùng những tập tính phong hoá trong lối suy nghĩ, cư xử, hành vi mang tính chung, trải qua nhiều đời được duy trì thành truyền thống, mạnh đến mức chi phối những nền nếp còn lại gọi là bản sắc.

 

Văn hoá cộng đồng chứa đựng nhiều nét, nhiều nội dung nhưng bản sắc riêng có thể làm những cộng đồng khác biệt nhau cả nghìn năm.

 

Tôi cho rằng trong số những phong phú đó thì Lễ Tết được xem là “phát minh vĩ đại nhất” của mỗi nền văn hoá cộng đồng, bởi 5 điều sau :

 

. Lễ Tết là khoảng giao thoa chuyển mùa của chu kỳ thời gian thiên nhiên với thời vụ lao động mới của cộng đồng, với niềm tin và kỳ vọng sắp tới sẽ hanh thông, xum xuê hơn mọi bề. Tinh thần chính là “xanh tươi và nảy lộc”.

 

. Lễ Tết là khi cả cộng đồng nghỉ ngơi tự tưởng thưởng cho mình với những thành quả tốt lành nhất, mới đẹp nhất thu hoạch, tích luỹ được trong khoảng thời gian dài trước đó. Dành nhiều hưởng thụ hơn cho văn hoá tinh thần.

 

. Lễ Tết là khi các gia đình không chỉ sum vầy vui vẻ các thế hệ, mà hoà vào chung không khí đoàn tụ hoan hỉ của cả cộng đồng với tinh thần “ôn cố tri tân” , củng cố truyền thống, học hỏi những tấm gương hay của “làng nước”.

 

. Lễ Tết là dịp tri ân tiền nhân, cảm tạ những người đã phù giúp mình, động viên tinh thần mọi người, quảng đại, khích lệ hùn hạp cho mọi người từ trẻ đến già sinh năng hăng hái với những dự định mới: tốt hơn, cao hơn, xa hơn, mạnh hơn, công thành danh toại.

 

. Lễ Tết là khi con người suy tâm về tín ngưỡng, hướng tới những đấng cao cả, thành kính với những hình tượng siêu việt như hằng có trong thời-không luân vũ, cùng nghiệm lành muôn nhân quả của sự sống, hướng tới cách sống thiện phước.

 

Cũng đã từng có những ý kiến khác nhau về việc nên bỏ hay không Tết Âm Lịch?! Tôi cho rằng đó là dịp Lễ Tết lớn nhất, bao trùm nhất, quan trọng nhất không chỉ là vài cộng đồng nhỏ từ xưa cùng tập tính văn hoá. Nay đã hội tụ được cả những cộng đồng dân tộc, chủng tộc khác nhau, thậm chí ở thời-không khác, khi đã cùng hoà nhập với nhau bởi làm ăn chung nhau, cùng bầu không khí tôn trọng, hân hoan của hàng trăm triệu người. Bởi vậy cần giữ và làm cho Lễ Tết càng đậm đà, sâu sắc thêm 5 điều trên.

 

Không có Lễ Tết, con người dường như cảm thấy cuộc sống là triền miên khổ ải, không biết hưởng thụ theo nghĩa con người Lao Động - Văn Hoá. Kinh nghiệm sẽ bị xơ cứng, nghèo nàn đi về giá trị tinh thần. Sự giao tiếp của con người sẽ tiến dần theo cách của những cái máy. Hệ ứng xử của con người sẽ mất đi quy chiếu về Tốt Lành, chỉ thuần logic của kinh tế. Không còn Lễ Tết thì người già khó còn được kính trọng, trẻ con không được khởi tôn.

 

Tôi đã có câu thế này:

. Xởi lởi Trời cởi VẬN cho

. So đo Trời co MỆNH lại

Lễ Tết là dịp mỗi người xởi lởi với cộng đồng, với đời, nghiệm phát lại Sứ Mệnh của mình để vượng trong Thiên Địa Nhân.

 

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh

Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

Các bài viết liên quan

Tin sự kiện

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút