Tiếp cận chuyển đổi số và hội nhập cùng EVFTA - Doanh nghiệp Việt cần làm gì?

07/10/2019         Bản tin PTI         admin

Ngày 05/10/2019 tại Hội thảo “Dự báo Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số và những làn sóng mới – Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh”, các chuyên gia kinh tế, nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu đã đưa ra nhiều lời khuyên, giải pháp hữu ích về kinh doanh và quản trị trong kỷ nguyên số cho các doanh nhân, chủ doanh nghiệp (đặc biệt là DN vừa và nhỏ).

 

 

Vào 13h30 ngày 05/10/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, số 57 đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI phối hợp cùng Trường Kinh doanh Chất lượng cao PBS và các đối tác thân hữu đã tổ chức thành công chương trình Hội thảo “Dự báo Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số và những làn sóng mới – Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh”.

 

Hội thảo kinh tế là một chương trình được tổ chức thường niên của Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI, với mong muốn mang lại cho các doanh nhân, học viên và người tham dự cơ hội để tiếp cận những tri thức, hiểu biết và định hướng cụ thể để xây dựng và phát triển doanh nghiệp trong những bối cảnh thay đổi không ngừng nghỉ của nền kinh tế trong nước, khu vực và trên thế giới.

 

 

Tại buổi hội thảo lần này, người tham dự được trực tiếp lắng nghe những chuyên gia kinh tế, các nhà quản trị doanh nghiệp “đầu tàu” của Việt Nam chia sẻ về những thách thức và cơ hội khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên số và hiện thực hóa hiệp định EVFTA vừa mới ký kết với EU. Những nhân tố mới này là điều kiện, cũng là động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mình, thay đổi và phát triển. Các chuyên gia tham dự hội thảo ngày 05/10 gồm có:

• Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

• Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex

• Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT

• Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTech

• Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

• Chuyên gia trưởng Nguyễn Hoàng Phương, Giảng viên Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

 

Các chuyên gia tham dự hội thảo (từ trái sang): Ông Nguyễn Hòa Bình, Ông Đào Ngọc Thanh, Ông Trần Đình Thiên, Ông Đỗ Cao Bảo, Ông Nguyễn Hoàng Phương

 

Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Hoàng Phương, Chuyên gia trưởng Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI đã phát biểu khai mạc buổi lễ: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà những năm tới đây chắc chắn sẽ diễn ra rất nhiều sự biến chuyển, song hành với đó là những cơ hội và thách thức to lớn. Chúng ta đã chứng kiến một làn sóng mới đến từ xã hội, sự thay đổi về môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và thay đổi đặc biệt quan trọng về môi trường công nghệ. Và tương lai kinh doanh sẽ thuộc về những doanh nghiệp nhạy cảm với những nhu cầu mới, chúng ta hiện thực hóa được những nguồn lực hạn chế trên nền tảng công nghệ, tốc độ nhanh và chúng ta luôn tư duy và kiếm tìm những giải pháp thiết thực cho khách hàng của mình.”

 

Chuyên gia trưởng Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI phát biểu khai mạc buổi lễ

 

Chuyên gia trưởng Nguyễn Hoàng Phương cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà tài trợ và bảo trợ của chương trình, đã cùng PTI chung tay đồng hành vì một cộng đồng kinh doanh thật sự tử tế, lương thiện và cùng phát triển.

 

Ông Nguyễn Hà , Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần TMS Thương Mại - đơn vị tài trợ Kim cương của chương trình hội thảo, đã phát biểu: “Tôi tin rằng sau hội nghị này, thông qua sự chia sẻ và các bài tham luận của các chuyên gia kinh tế, quý vị đại biểu, quý vị khách mời sẽ có cái nhìn tổng thể và đầy đủ về bức tranh kinh tế hiện tại và tương lai của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số. Và chúng ta có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp của mình.”

 

Ông Nguyễn Hà , Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần TMS Thương Mại - đơn vị tài trợ Kim cương của chương trình hội thảo phát biểu

 

Ban tổ chức chương trình hội thảo cũng lần lượt vinh danh các nhà tài trợ Vàng, Bạc và Đồng đã đồng hành cùng chương trình. Các nhà tài trợ Vàng gồm có: Công ty Cổ phần Tiếp thị số Tô Quà, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Công ty Cổ phần HAYBIKE, Công ty Cổ phần Damo Group, Công ty Cổ phần Dược Cao Sơn, Công ty Cổ phần nhôm đúc hợp kim LC. Các nhà tài trợ Bạc gồm có: Công ty Thời trang Scarlet. Các nhà tài trợ Đồng gồm có: Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Bee Group, Công ty Cổ phần Nha khoa Ocare Hà Nội, Công ty Cổ phần Công nghệ Getfly Việt Nam, Công ty TNHH Xuất bản và Truyền thông BestBooks Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nha khoa Thẩm mỹ Quốc tế Trend Smile, Công ty Cổ phần Macca Nutrition Việt Nam, Công Ty Cổ phần Sách Alpha.

 

Ông Triệu Văn Dương – Chủ tịch kiêm TGĐ Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI và ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tặng hoa cho các nhà tài trợ

 

Hội thảo “Dự báo kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số và những làn sóng mới - Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh” được chia thành 2 phiên chính: Nền kinh tế số và chuyển đổi phương thức kinh doanh và Hiệp định EVFTA – Cơ hội và thách thức cho các DN.

 

Mở đầu phiên thứ nhất, ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đã phát biểu bài tham luận “Phát triển nền kinh tế số (DE): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”. Ông nhấn mạnh: Nếu  cách mạng 1.0, 2.0 và 3.0 giải phóng con người khỏi lao động chân tay, thì cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giải phóng con người (một phần) khỏi lao động trí óc. Và chúng ta định vị đúng thực trạng rằng Việt Nam đang đứng ở “vạch xuất phát” của công cuộc chuyển đổi sang kinh tế số.

 

Để nhanh chóng đạt được DE (nền kinh tế số), chúng ta cần phải thoát khỏi tư duy lợi ích dựa trên các nguồn lực truyền thống, và hướng trọng tâm vào các nguồn lực cơ bản như trí tuệ, năng lực công nghệ, hiện đại hóa doanh nghiệp và hạ tầng số. Đi cùng với đó là sự cách mạng về chính sách, đạt được sự công khai minh bạch, quản trị thông minh, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và an toàn “số”.

 

Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu bài tham luận

 

Nói về việc xây dựng các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong kinh tế số, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINACONEX đã đưa ra 4 khuyến nghị chính, đó là: 1 - Khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ phải thay đổi; 2 - Gia tăng tiếp xúc trải nghiệm số hóa các sản phẩm và dịch vụ trong ngành cũng như trong cuộc sống; 3 - Trang bị cơ sở kỹ thuật đầy đủ; 4 - 20% Nhân viên thành thạo tiếng Anh.

 

Ông Đào Ngọc Thanh cũng chỉ rõ những điều doanh nghiệp cần phải làm, đó là: Chấp nhận cái mới, công nghệ mới, người lao động thế hệ mới. Coi con người là cốt lõi của phát triển, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cần được chú trọng, việc đào tạo phải “đi hai chân”: vừa đào tạo mới, vừa phải đào tạo lại. Các doanh nghiệp cần chớp thời cơ sớm nhất vì “tốc độ phát triển hiện nay là không tưởng”. Đồng thời, các chính sách và đường lối của doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số, công nghệ số phải có tính cạnh tranh toàn cầu, phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam.

 

Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINACONEX phát biểu tham luận tại hội thảo

 

Cũng tại hội thảo, Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech đã đưa ra một tham luận với tiêu đề “Chuyển đổi số sống hay chết: Để doanh nghiệp VVN sống sót qua kỷ nguyên 4.0”. Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Cần thiết có sự thay đổi văn hoá (lấy dữ liệu làm trọng)  làm thay đổi cơ bản cách vận hành doanh nghiệp và giá trị mang lại cho khách hàng”.

 

Ông đưa ra gợi ý 4 cách tiếp cận chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ:

1. Dùng các nền tảng dịch vụ phần mềm Online sẵn có. Lãnh đạo phải tìm hiểu và sử dụng trước, rồi ép  xuống để nhân viên thực hiện.

2. Tìm đối tác tư vấn chuyển đổi số. Cách này tương đối hiếm và đắt!

3. Bổ sung Gen công nghệ bằng cách săn tìm lãnh đạo cao cấp về công nghệ (làm đồng sáng lập, giám đốc kỹ thuật…)

4. Tìm “tri kỷ” chuyển đổi số qua hình thức chia sẻ doanh thu hoặc liên doanh theo mô  hình chia sẻ hiệu quả dựa trên giá trị gia tăng thực  tế.

 

Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech phát biểu tham luận tại hội thảo

 

Đến với buổi hội thảo, chương trình chào đón sự có mặt của ông Triệu Văn Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI. Ông Triệu Văn Dương cũng chia sẻ: Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu cho các doanh nghiệp trong cả hiện tại cũng như tương lai, và PTI cũng là một trong các doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tổ chức. Một trong những thành quả có thể kể đến đó là việc chuyển đổi và chuẩn hóa các chương trình đào tạo trên các nền tảng online trên các website như peo.vn, ceoonline.vn, univn.edu.vn.

 

Ông Triệu Văn Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

 

Nói về “Doanh nghiệp Việt Nam  trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu”, ông Đỗ Cao Bảo, Đồng sáng lập, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT đã đưa ra các số liệu rất cụ thể để chứng minh những lợi thế của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và qua các hiệp định đối tác thương mại lớn EVFTA và CPTPP.

 

Theo ông, hiện nay, doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang chủ yếu tập trung làm các công việc đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, chất xám ít, giá trị gia tăng ít, lợi nhuận thấp. Hàng hóa nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Sản xuất chủ yếu gia công lắp ráp, sản phẩm made in VN/Make VN ít. Hầu hết là công ty địa phương, rất ít công ty đa quốc gia như Viettel, FPT. Đó đều là những khoảng trống cần các doanh nghiệp Việt lấp đầy.

 

Ông Đỗ Cao Bảo khẳng định: “Nền kinh tế số dựa trên chính phủ số, doanh nghiệp số, công dân số. Chuyển đổi số không phải là công việc của giới CNTT mà là công việc của các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT, chính phủ. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nghiệp vụ, từ nhu cầu công việc. Chuyển đổi số không thể thành công nếu nó không thay đổi (từ con người, từ lãnh đạo, từ nghiệp vụ). CNTT, AI, 4.0 chỉ là công cụ để chuyển đổi số.”

 

Ông Đỗ Cao Bảo, Đồng sáng lập, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu tham luận tại hội thảo

 

Phát biểu bế mạc hội thảo, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI đã khẳng định bản chất của nền kinh tế số thể hiện ở 5 điều: Kết nối không biên giới với định hướng Bigdata; Sử dụng các phần mềm tin học tác nghiệp trên mọi quá trình; Đem lại khả năng cá biệt sâu và tích hợp cao (One in All & All in One); Thay đổi căn bản cách làm việc và cấu trúc sản phẩm/dịch vụ theo hướng tiện ích, tiếp cận, tương tác, tái tạo; Sử dụng mô hình các tổ chức tinh gọn, thông minh, hòa nhập.

 

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh cũng mang đến những lời khuyên giá trị cốt lõi cho các chủ doanh nghiệp: Tập trung khai thác thành công tại địa phương để lan tỏa thế giới, sở hữu tư duy toàn cầu từ văn hóa đến tư tưởng (tháo bỏ não trạng cản trở) và thoát bẫy thu nhập trung bình thấp.

 

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI phát biểu bế mạc hội thảo

 

Với những thông tin, số liệu mang tính cập nhật, thời sự, cùng nhiều lời khuyên, giải pháp hữu ích được đưa ra bởi những chuyên gia kinh tế và các nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu, Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI hy vọng hội thảo đã đem lại nhiều giá trị cho các doanh nhân, doanh nghiệp.

Mời quý vị cùng chờ đón buổi hội thảo kinh tế tiếp theo tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức vào ngày 20/10/2019 tại khách sạn Rex, số 141 Nguyễn Huệ, Bến Nghé, Q1.

Trân trọng!

 

-----------

Một số hình ảnh khác trong buổi hội thảo ngày 05/10:

 

Ban lãnh đạo PTI chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo và đại diện đơn vị tài trợ Kim cương

  

Các chuyên gia giao lưu, chụp ảnh cùng người tham dự

 

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng đội ngũ CBNV PTI

Các bài viết liên quan

Tin sự kiện

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút