Thú đi chợ quê giáp Tết

13/01/2022         Bản tin PTI         admin

 “Thú đi chợ quê giáp Tết” - Một viết nhẹ nhàng, sâu sắc về chợ quê - nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam được chắp bút bởi ông Nguyễn Hoàng Phương - Chuyên gia Trưởng Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI.

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, hướng dẫn về chuyên môn như Chiến lược, Thương Hiệu, tham gia nhiều dự án tư vấn và cố vấn trưởng cho một số doanh nghiệp, ông còn đặc biệt yêu thích tìm hiểu và chia sẻ những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Với bài tản văn này của chuyên gia, admin hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả “hương vị Tết” xưa đầy sinh động, hồn hậu, chân chất, thấm đẫm tình người. 

Bài viết được trích trên Website của Tạp chí Văn Hiến Việt Nam.

***

Đi chợ quê giáp Tết ngày ấy vui vô cùng, vì được xem người qua lại mua bán. Mọi người đi chợ xưa niềm nở, tình cảm, hay chào hỏi, nói chuyện rôm rả cùng nhau. Bà con quen có khi biếu nhau nải chuối, con cá mà không lấy tiền. Với người quen, nếu họ chưa có tiền thì vẫn sẵn sàng cho mua chịu, phiên sau trả cũng được. Có câu “bán hàng cho họ” là vì vậy. Gặp họ hàng, sẵn sàng bán rẻ thậm chí biếu luôn không lấy đồng nào.

 

Hình ảnh một ngôi chợ xưa tại miền Bắc. Nguồn: tư liệu.

 

Trước năm 1960, huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam có 24 xã nhưng chỉ có 11 chợ. Tên chợ gắn liền với tên địa danh bản xứ, tỷ như: chợ Thanh Khê, chợ Bồng Lạng, chợ Tâng, chợ Huyện, chợ Tràng, chợ Non, chợ Nghè, chợ Hoà Ngãi, chợ Kiện, chợ Động, chợ Đầm. Trong đó, các chợ to là chợ Bồng Lạng, chợ Động, chợ Đầm, chợ Hoà Ngãi, chợ Kiện. Các chợ còn lại hầu hết là chợ bé.

Công thức 2 xã thường 1 chợ nên tồn tại một quy định bất thành văn: các chợ nào gần nhau thì sẽ phân chia phiên họp ngày chẵn và ngày lẻ. Ví dụ chợ Nghè gần chợ Non, vậy chợ Nghè sẽ họp ngày 2, 4, 6, 9 trong tháng, còn chợ Non họp ngày 3, 5, 7, 8, 10. Tính như vậy đến khi hết tháng, chợ Non sẽ họp được 15 phiên, chợ Nghè họp 12 phiên.

Chợ cũng có phân cấp. Ví dụ định mua cá to hơn, ngỗng to hơn, gà ngon hơn thì phải đi chợ to hơn để bán. Chợ bé sẽ không bán. Tương tự, người có con cá trắm cỏ 3 cân hay 5 cân thì phải đến chợ Đậm là loại chợ to để bán. Nếu mang bán ở chợ Nghè thì dễ ế, hết phiên cũng không ai mua. Vì sức mua của chợ bé chỉ có như vậy.

Nếu ai có dự định mua củi thì phải vào chợ Bồng Lạng có bán củi. Muốn mua chè thì phải lên chợ Non, chợ Nghè. Muốn mua lợn giống thì phải đến chợ Huyện cách đến 7 cây số. Và cả vùng này không có chợ nào bán trâu bò, chỉ có những mặt hàng đơn giản trong đời sống.

Người coi chợ

Đặc điểm của các chợ thời bấy giờ là chưa có ban quản lý chợ. Thông thường, người ở địa phương hoặc người xứ khác tới do thất thế sa cơ lỡ vận, không có việc làm thì sẽ đến địa phương xin chân quét chợ. Họ sẽ được cho một cái lều ở cuối chợ, ở tại luôn đấy. Nhiệm vụ của họ là hết phiên thì huy động con cháu vệ sinh sạch sẽ chờ tới phiên họp mới.

Vị trí này được gọi là người coi chợ. Mô tả công việc rất đơn giản: có đánh nhau thì can thiệp, có trâu bò thì đuổi ra. Những người này không được trả công bằng tiền. Đến phiên, dân tình đến họp chợ, họ được phép thu hiện vật. Người nào có gánh rau củ quả thì sẽ thu củ quả, và luôn được chọn củ quả tươi ngon nhất. Người nào đi bán chè thì họ thu một ấm chè làm lệ phí.

Chỉ có những người nào bán gà, hoặc những bán mặt hàng có tính chất không thu được bằng hiện vật thì sẽ để thu sau. Khi nào hàng bán ra được thì họ sẽ đến và thu 5 xu, 1 hào. Công ăn việc làm như vậy là đủ sống.

 

Chợ nhỏ người An Nam – Petit marché annamite. Nguồn: tư liệu.

 

Phân bổ và cấu trúc của chợ xưa

Chợ quê sắp xếp hàng quán theo chiều kim đồng hồ, rất trật tự.

Dọc đầu tiên vào chợ là hàng xén, được lợp mái che bằng rạ mỏng, tránh ẩm ướt. Các cô hàng xén xinh xắn, niềm nở, bày hàng bán kim chỉ, kim khâu vá trên những miếng mẹt. Thời đó không có sạp như bây giờ. Mỗi cô bày chục cái mẹt, chăng dây, dải rút ngũ sắc xanh đỏ tím vàng khiến trẻ con thích thú.

Hết hàng xén luôn giáp hàng vải. Lúc đó chưa có quần áo may sẵn, dân đi chợ chỉ bán vải. Hết hàng vải đến quán chè xanh, hàng rau quả, hàng nông sản.

Tiếp đến là khu vực gần bờ sông là nơi hàng cá ngồi. Họ xây những bậc lên xuống rất đẹp để tránh bị ngã nước. Lúc ấy chưa có đồ nhựa, họ đan thúng để đựng nước, gọi là thúng câu. Người ngồi nơi đó vừa thuận tiện để rửa cá, vừa dễ dàng múc nước đổ đầy thúng câu và bỏ những con cá còn sống to đẹp vào thúng.

 

Một góc chợ bên sông tại Bắc Kỳ xưa. Nguồn: tư liệu.

 

Lại nói về cua. Không có túi ni lông như bây giờ, họ chẻ hai que tre, rồi đóng 20 con thành 1 xóc. 2 hào 1 xóc. 2 xóc 4 hào.

Đi qua hàng cua cá là hàng thịt lợn, được bày trên một cái phản. Thịt lợn ngày xưa rất ngon. 1 phiên 2 người chung nhau mua 1 con, chặt thành từng miếng đẹp đẽ. Có người nghèo không đủ tiền, mua 1 lạng họ cũng bán. Mọi người thường mua 2, 3 hoặc 5 lạng. Rất hiếm người mua cả 1 cân, trừ khi có dịp đặc biệt của gia đình.

Mua thịt ắt phải mua rau. Họ bán cả rau cho người và rau cho lợn. Bèo bán cả gánh, 1 gánh 3 đến 5 hào. Cạnh đó là hàng gạo, hàng thóc. Hàng này được bày chỗ cao ráo, sạch sẽ, có mẹt để sảy. Gạo đựng bằng thúng, xúc bằng bơ. Ai muốn gạo nếp, gạo tẻ hay gạo gì thì ở đây cũng có. Có cả người bán cám cho lợn.

Rất lỉnh kỉnh cạnh đó là gian dụng cụ nông sản. Nơi có đủ thứ: cuốc, cày, nia, liềm, hái, thừng chão, nia, đồ bằng nan… Đến mùa nước, họ bán thuyền, lờ, dậm, nơm… Các món đồ này hoàn toàn là độ tự chế, tự làm thủ công.

Đi một quãng nữa là các bà các cô bán con giống: gà con, vịt con, chó con. Nhiều khi người ta mang cả chó mẹ lẫn chó con ra bán, nhét cả vào thúng. Nhưng lợn con thì ít được bán.

Một điều thú vị ở chợ Nghè là hàng bán cò. Ở làng gần chợ có nhiều bụi tre, cò đến đậu rất đông. Dân làng các nhà bắt cò và trói lại, mang cả gánh đi bán, tính giá 5 hào 2 con. Nhiều người hay mua cò về để chơi, rồi sau đó mới thịt phục vụ sở miệng.

Chợ quê giáp Tết còn có một món rất hay, đó là tò he. Một ông già khéo tay ngồi trên ghế, sau đó nặn tò he theo sở thích của người mua. Ông nặn tò he hình “Tam anh chiến Lã Bố”, cầm trương kích sống động như thật. Ai thích gì ông nặn một lúc là ra dáng thích thú. Con gà giá 2 hào, trâu 3 hào, thỏ 3 hào. Người vây xem xếp hàng lúc nào cũng đông.

Sau khi dạo hết chợ, mua đủ các thứ cần thiết thì sẽ đến hàng quà. Bác hàng quà thường chọn địa điểm cao ráo, sạch sẽ cạnh cô bán đồ mây tre đan, kín đáo, tránh xa hàng cá, hàng thịt. Vị trí trí khuất xa này thể hiện sự ý nhị, giúp cho người mua vơi bớt ý nghĩ ngại ngùng. Vì bấy giờ đàn bà con gái có suy nghĩ đi chợ ăn quà là không nên. Nếu ăn thì họ sẽ lấy nón che để hàng xóm đi qua không nhìn thấy.

 

Cảnh chợ quê xưa. Trích trong bộ tranh Monographie dessineé de l’Indochine.

 

Chợ Nghè có hàng quà bán bánh uôi rất ngon, giống bánh dày, nhân đỗ xanh và mỡ lợn, giá bình dân. Các bà các mẹ đi chợ thường ghé hàng quà mua vài cái bánh uôi về cho con cháu ăn. Ngày nay nhiều nơi vẫn bán bánh uôi, nhưng không còn ngon như trước.

Gọi là quà cho rôm, nhưng phần nhiều sạp hàng chỉ có bánh đúc và bánh rán. Bánh đúc được đổ cả ra một cái sàng, ai mua đến đâu người bán cắt đến đấy, ăn kèm đồ chấm như tương, muối vừng. Bánh đúc giá 5 xu 1 cái. Người mua để ăn hoặc mang về cho con cái, vừa mát vừa rẻ.

Với bánh rán, người ta thường mang đồ sống đến nhóm lửa rán chứ không làm sẵn ở nhà. Bánh dùng dùng bột gạo nếp, sản xuất gia công rồi làm thành nắm như quả bóng bàn. Nhà nào đông trẻ thì hay mua. 5 xu 1 cái. Ăn nóng hổi, ai cũng thích.

Thú đi chợ quê giáp Tết

Đi chợ quê giáp Tết ngày ấy vui vô cùng, vì được xem người qua lại mua bán. Mọi người đi chợ xưa niềm nở, tình cảm, hay chào hỏi, nói chuyện rôm rả cùng nhau. Bà con quen có khi biếu nhau nải chuối, con cá mà không lấy tiền. Với người quen, nếu họ chưa có tiền thì vẫn sẵn sàng cho mua chịu, phiên sau trả cũng được. Có câu “bán hàng cho họ” là vì vậy. Gặp họ hàng, sẵn sàng bán rẻ thậm chí biếu luôn không lấy đồng nào.

 

Những người đàn bà An Nam đi đến chợ. Tranh của Joseph Inguimberty (Pháp).

 

Đi chợ như đi chơi, có thể la cà, về muộn chứ không vội vàng như bây giờ. Khi chưa có khái niệm đồng hồ, ai ở nhà xa thì cứ nghe gà gáy là khởi hành. Các bà cứ đội cái thúng mê, trên cái thúng đó có đầy đủ mọi thứ, cứ đi thế hàng cây số, trên đường “chào bác, chào cô” vui cười hỉ hả.

Chợ quê xưa không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là không gian gắn kết tình người, thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

 

Nguyễn Hoàng Phương

Chuyên gia trưởng Tổ chức giáo dục – đào tạo PTI

 

 

 

Các bài viết liên quan

Tin sự kiện

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút