🌸 🌸 🌸
Đêm cuối năm và bát mì Soba
Văn hoá các nước đều có bữa tất niên. Tại Nhật, bữa ăn đặc biệt đó luôn có một món trong thực đơn: Mì.
Mì là món ăn truyền thống, dù ở nhà hay tiệm rượu đều vậy. Chuyện trong quán rượu có những lý thú riêng. Vào đêm cuối năm, tửu khách có thể qua quán rượu để đón mừng năm mới. Với một số người, họ coi đó như nơi chốn của chính mình.
Phong tục ăn mì trường thọ ngày cuối năm.
Tất niên đến, ông chủ loại hết thực đơn quen thuộc hàng ngày, menu chỉ có độc nhất một thứ - món mì. Loại mì được chọn có thể là soba, udon, ramen…, song Soba – Mì trường thọ được chọn nhiều nhất.
Ngoài lí do truyền thống, chắc hẳn còn bởi nguyên nhân Soba không quá cầu kỳ trong chế biến và thưởng thức. Luộc (trụng) mì Soba và vớt ra giá cho ráo nước, rồi chuẩn bị một bát sốt chấm và ly rượu, thế là đủ để bắt đầu bữa tiệc thật vui.
Soba là một món dành cho thường dân, nhưng ngày cuối năm được đổi tên thành Món Của Vua. Vì Vua cũng thích, nên nhất định phải có nghi lễ.
Khách tới quán rượu đêm cuối năm không cần mang theo tiền, chỉ cần một món quà tặng ông chủ tiệm là được. Có thể là chai rượu, hộp kẹo… song quà yêu thích, được lựa chọn phổ biến nhất chính là Mì. Ông chủ tiệm 2 tay kính cẩn nhận mì, hoan hỉ tặng lại thực khách… mì.
Vì sao?
Vì từng sợi mì Soba như những sợi dây liên kết giữa người với người, giữa định mệnh và những thân phận. Đó không phải là một món ăn đơn thuần ấm bụng. Ẩn chứa trong đó là những câu chuyện nhân sinh.
Nghĩ mà xem, trong tiết lạnh giá cuối năm, những người vốn xa lạ, giờ đây bỗng trở nên rất thân thiết, vừa thưởng mì vừa nói chuyện râm ran. Bất chợt tiếng chuông điểm boong boong điểm đúng thời khắc giao thừa. Mọi người dừng đũa, chúc mừng năm mới hân hoan, cùng nói những câu chuyện tốt lành. Nếu năm ngoái người này có điều gì không ổn, người khác sẽ không nói điều đó. Chỉ nói điều tốt của năm ngoái và điều tốt của năm sau.
Giã gạo làm bánh
No say mì, ấy mới là cữ số một.
Đến cữ số hai, khách kéo nhau ra ngoài trời tuyết, cùng nâng một chiếc chày to, hò dô ta giã bánh gạo (dân mình gọi là bánh dày). Trong lúc đó, ông chủ tiệm rượu chuẩn bị nước súp để ăn cùng món bánh đặc biệt này. Nước dùng được nấu từ con ngao, có thêm há cảo (Gyoza), ít bột hấp và rau. Tửu khách lại xì xụp, chúc tụng, ôn cố tri tân… tới khi say quên lối về.
Phải nói thêm rằng, trong tiệm rượu cuối năm, dù có đông thực khách thế nào, bao giờ ông chủ cũng để lại một chiếc bàn trống, trên đó đặt lọ hoa đẹp. Bàn đó chỉ dành cho lãng khách cơ nhỡ. Cơ nhỡ được hiểu là những thực khách nghèo khó, không có gia đình.
Bữa tất niên bao giờ cũng là dịp rất đặc biệt. Đối với người dân, đó không chỉ là nghi lễ và văn hóa ăn uống cổ truyền. Đó là cả một trời ký ức nhân sinh.
(Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương)