Giống loài nào cũng phải học để tồn tại và thích nghi, phát triển.
Ở trình độ cao học vấn lại càng quan trọng và ngược lại, học vấn cao sẽ giúp cho đời sống mầu sắc, hiểu biết để không lạc lõng, không buông xuôi. Học vấn là khả năng tự học, tự hỏi chính mình.
Học gì?
Muôn vàn thứ để học. Những năm đầu đời: được dạy để tự chủ bản thân lề lối, nếp sinh hoạt, rồi học kiến thức nền tảng, lớn chút nữa học về chuyên môn, rồi khi trưởng thành học chuyên tu để phát triển một nghề nghiệp… Đi qua gần hết thời gian, mới nhận ra rèn nhân để đi trong đời mới là khó và cần nhất.
Càng học càng thấy bao la. Quá nhiều thứ phải biết và không nên biết, thường trải qua mới hiểu “Giá như không nên biết điều này”.
Những bạn học.
Cuộc sống đổi thay, các công cụ phục vụ việc học tập đa dạng, lắm khi khiến người học hoang mang vì bị lẫn trong mớ thông tin. Nên: ngoài sách vở để học, nhất định phải có từ điển. Không chỉ học ngoại ngữ mới cần từ điển, ngay cả học chuyên môn, học nghệ thuật, học kinh doanh cũng nên có. Phải hiểu rộng khái niệm “Từ Điển”: đó là tập hợp tổ hợp những thông tin, kiến thức chính thống phục vụ cho việc tra cứu, khảo cứu. Dùng từ điển hàng ngày sẽ tạo rèn cho người học tư duy hệ thống, mạch lạc, khoa học.
Học phải thể hiện qua Nghe – Nói- Đọc -Viết.
Ta có thể nhận ra một người có học chính thống qua câu chuyện xã giao 5 phút. Người ấy ngồi nghe mình chăm chú, không cướp lời ai, lời nói lại vừa đủ, rõ ý, mạch lạc, hoàn toàn thuyết phục. Từng ý người nói ra nảy nở như vườn hoa đầy sắc thơm, Cchuyện công việc hay chuyện gẫu đều vui và bổ ích. Nói chuyện hay không dễ chút nào. Để có 5 phút giao thiệp ấn tượng đó, thực ra người học đã phải kinh qua rất nhiều trải nghiệm, phải học- đọc- đi- nghe, phải tích luỹ và có tư duy để biến chuyển và áp dụng những điều đó cho bản thân mình.
Ở nhà cho tới nơi làm việc, không cần quá nhiều sách nhưng nhất thiết nên sở hữu những tác phẩm kinh điển. Chuyên môn có thể khác nhau song lúc rảnh hãy dành cho việc viết: viết đoạn chia sẻ, viết bài ngắn hoặc bài báo. Vì độ khó của 4 kỹ năng NGHE NÓI ĐỌC VIẾT ngang nhau, song tổng hợp nhất vẫn là kỹ năng viết. Tưởng tượng, ngẫm nhớ thu hoạch tất cả những trải nghiệm thu vào trong vài dòng chữ, mất kỳ cùng công sức, toát mồ hôi.
Các chuyên gia và học viên PTI trong ngày 20/11 - Ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam
Người thầy tốt.
Tuổi nào, giới nào, nghề nào đều cần có người thầy tốt. Thầy tốt không phải là dạy hay mà là dạy những điều Hay một cách Lí Thú. Những thầy cô tuyệt vời đó, lôi cuốn thôi thúc học trò bằng những bài giảng mê say, nhiều năm sau các trò vẫn nhớ mãi những chi tiết nhỏ. Kiến thức có thể quên nhớ, nhưng đọng lại ngoài bài giảng là phong cách của thầy cô.
Thế nên, người viết thực nghĩ: người thầy cũng tựa như một nghệ sỹ dương cầm đích thực. Y phục khi biểu diễn thật đẹp, dáng điệu nghiêm túc- cuốn hút từng cử chỉ. Đi biểu diễn trong nước hay năm châu đều có cỗ xe riêng mang theo cây dương cầm tuổi đời hàng thế kỷ và vài người giúp việc thân cận. Mang theo vợ hay không thì tuỳ ý. Hình ảnh đó thực đáng kính ngưỡng.
Sự học hiện nay.
Mạng xã hội và công nghệ phát triển mạnh mẽ, mang lại bao tiện ích phục vụ cho đời sống. Mặt khác, lại làm cho nhiều người hoang mang, không phân biệt được thực giả lẫn lộn. Người ta cảm thấy cô đơn trong phức tạp của sự kết nối, cảm thấy nhàm chán trước biết bao nhiêu “món ăn công nghệ”. Vì vậy, mỗi người một cách, song lối sống, làm việc hài hoà, rèn luyện một tư duy hệ thống, chọn lọc những điều có ích để làm bạn, gần gũi với thiên nhiên, con người.
Khi nào ta coi việc đi xem một buổi hoà nhạc thính phòng, đọc một cuốn sách triết học hàn lâm hay viết một bài báo nhỏ là món giải trí thiết thực thì lúc đó việc học đã ngấm vào người, trưởng thành trong việc tự học.
Lúc đó, đời sống sẽ không mấy phức tạp, ta có thể nhâm nhi mỗi ngày.
Nguyễn Hoàng Phương – Chuyên gia trưởng Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI
Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút