Chuyên gia Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện NCQL kinh tế Trung Ương, phát biểu tại "Lễ tôn vinh sự học doanh nhân" PTI HN

10/10/2022         Bản tin PTI         admin

 

 

Chuyên gia Võ Trí Thành

 

Kính thưa Thầy Nguyễn Tất Thịnh, các thầy cô trong Hội đồng Giảng huấn.

Ban lãnh đạo Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI.

Các anh chị học viên, các doanh nhân.

 

Hôm nay tôi thật sự cảm động, càng xúc động hơn cho phép tôi trong một buổi lễ đầy hân hoan, đầy cảm xúc như này được chia sẻ 5 phút nói về chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở”.

 

Có thể nói trong vòng 5 đến 7 năm nay, thế giới và Việt Nam chưa bao giờ người ta nói đến “Đổi mới sáng tạo mở” nhiều như bây giờ, tràn ngập không gian sách báo, truyền thông và ngay cả diễn đàn ngày hôm nay.

 

Lý do thì có rất nhiều.

 

Thứ nhất là 4.0 và chuyển đổi số.

 

Thứ hai, bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều điều mà cả thế giới và Việt Nam đều chưa hiểu và chưa biết: bất định, bất thường, khó khăn thách thức.

 

Cái lớn nhất vì sao chúng ta nói đổi mới sáng tạo, chính là chúng ta muốn vươn lên.

 

Trước kia chúng ta nói về “Catch up”, tức là chúng ta phải “bắt kịp” các nước giỏi hơn, đi nhanh hơn ta.

 

Nhưng bây giờ, Việt Nam đã bắt đầu nói đến “đi cùng”, thậm chí “đi cùng và vượt trước”. Vì sao như vậy, vì thế giới và Việt Nam đều chưa biết rất nhiều điều.

 

Đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, cải cách, hội nhập, mở cửa thay đổi rất nhiều. Thế hệ chúng tôi cảm nhận điều đó sâu sắc nhất, từ một đất nước rất nghèo, 70% người dân sống dưới mức nghèo khổ vào cuối những năm 80, bây giờ chỉ còn 2%.

 

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và đặc biệt hơn nữa trong khoảng 10 năm trở lại đây các anh chị thấy một tầng lớp rất mới đang tăng trưởng rất nhanh, đấy là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.

 

Từ một nước về nông nghiệp, bây giờ chúng ta nói nhiều về dịch vụ, về công nghiệp bên cạnh sức mạnh vốn có, khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam.

 

Từ một nền kinh tế đóng cửa, Việt Nam bây giờ trở thành một nước mở cửa về thương mại đầu tư, du lịch, tài chính.

 

Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa, bây giờ mọi vấn đề giao dịch cơ bản là thị trường, với 850 nghìn doanh nghiệp mà đại diện chính là các bạn ngồi đây, mặc dù phần lớn là vừa và nhỏ, một thay đổi quá lớn.

 

Thế nhưng, Việt Nam vẫn đang gặp phải 3 nghịch lý:

 

Thứ nhất, nước ta là một đất nước đầy hiếu học, thế nhưng trình độ Trung học phổ thông chưa phổ cập được toàn dân, chỉ có 40% người lao động được đào tạo.

 

Thứ hai, Việt Nam rất nhiều người thông minh và tài ba, thế nhưng chúng ta vẫn chưa có một công nghệ lõi nào để thế giới vinh danh, được coi là nền tảng của thời đại mới. Hơn nữa, chúng ta còn nặng về bằng cấp, khoa cử.

 

Thứ ba, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất nhiều điểm yếu. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam lẽ ra phải ở 7.400 USD/người,  thế nhưng bây giờ chúng ta chỉ có 3.700 USD/người đến năm 2021.

 

Vì sao có nghịch lý ấy?

 

Có rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là chúng ta chưa đủ đổi mới sáng tạo. Vì sao nói chưa đủ đổi mới sáng tạo? Vì chúng ta có bốn cái chưa đủ, mặc  dù chúng ta cũng đã rất nỗ lực.

 

Thứ nhất, chúng ta chưa đủ khát vọng để thay đổi. Tôi sang Israel năm 2017, người Israel rất giống người Việt Nam trên nhiều khía cạnh, lúc nào họ cũng hỏi tại sao? Thế nhưng người Israel hỏi tại sao để thay đổi còn người Việt Nam hỏi tại sao để thích nghi. Việt Nam rất linh hoạt nhưng chủ yếu là thích nghi.

 

Thứ hai, chúng ta chưa đủ hiểu biết và chưa đủ “sự học”.

 

Chúng ta chưa nói chuyện lớn là xây dựng một xã hội học tập, học ngày, học đêm,  học mọi nơi, mọi lúc. Chưa nói đến chuyện học để đào tạo những tinh hoa, những người chuyên nghiệp như kỹ sư hay đào tạo đại trà để tất cả chúng ta đều hiểu biết, để hành xử chuyên nghiệp hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.

 

Trong rất nhiều khán phòng chúng ta cầm điện thoại để lướt web, xem web, chứ mấy người đọc web và hiểu web. Từ chỗ “xem và lướt” đến “đọc và hiểu” là cả một chặng đường gian khổ, như vậy là chúng ta chưa đủ học.

 

Thứ ba, chúng ta chưa đủ kết nối.

 

Hiện nay có một câu rất hay: tiền bạc ư? quan trọng lắm; nhân lực ư? quan trọng lắm; nhưng kết nối còn quan trọng hơn, nên chúng ta nói vốn xã hội còn quan trọng hơn vốn tiền bạc và biết vốn xã hội thì các bạn huy động được mọi nguồn lực, từ mọi nơi.

 

Có một câu chuyện từ thực tế, một tập đoàn lớn ở Việt Nam được giao một nhiệm vụ rất trọng đại. Về nhìn tất cả kỹ sư, nhân viên của mình, cuối cùng tập đoàn đến trả lời “Chúng em không làm được”, chúng em chỉ có từng ấy kỹ sư, từng ấy máy móc, từng ấy con người.

 

Sau một đêm suy nghĩ lại tập đoàn đến trả lời “chúng em làm được”. Lý do, chúng em nghĩ đến 7 tỷ người trên trái đất, chúng em nghĩ đến tất cả những nguồn lực trên trái đất này mà chúng em có thể thu hút được, đấy chính là kết nối.

 

Chúng ta chưa đủ kết nối, nhưng cái quan trọng nhất chúng ta đưa đủ tình yêu.

 

Có câu ngạn ngữ rất hay “Thế giới này được tạo nên bởi tình yêu và sự sáng tạo”, chúng ta chưa đủ đam mê, chúng ta chưa đủ đau đáu, cho nên chúng ta chưa đủ sáng tạo.

 

Với tất cả tinh thần ấy, chúc cho tất cả các anh các chị, các doanh nhân ở đây đủ học hơn, đủ yêu hơn, đủ kết nối hơn và đủ khát vọng hơn để thay đổi.

 

Khi đó, các anh chị sẽ đầy tự tin để nói tôi sáng tạo, tôi vinh quang và tôi thành công đúng như tinh thần bài hát Đường Lên Đỉnh Vinh Quang.

 

Rất cảm ơn thầy Thịnh,

Cảm ơn các Bạn!

 

 

Các bài viết liên quan

Tin sự kiện

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút