Báo Diễn đàn doanh nghiệp đưa tin hội thảo kinh tế: "Công nghệ đang làm thay đổi quyền lực điều hành"

05/12/2018         Bản tin PTI         admin

Đó là khẳng định của ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” chiều ngày 1/12.

 

Theo ông Thiên, những doanh nghiệp taxi lớn của Việt Nam như Mai Linh phải trải qua một thời gian dài phát triển, tích cóp mới huy động được cả nghìn xe.

 

Trong khi đó, những doanh nghiệp mới như Uber, Grab chỉ với một phần mềm, không bỏ tiền sở hữu chính thức một chiếc xe nào mà điều hành được cả trăm nghìn xe.

 

hoi-thao-kinh-te

Ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” chiều ngày 1/12

 

“Rõ ràng quyền lực điều hành thay đổi do công nghệ thay đổi. Công nghệ mới đang “ập” vào với tốc độ rất cao, thay đổi cấu trúc rất nhanh. Kinh tế số nổi lên điều hành nền kinh tế thực”, ông Thiên nói.

 

Theo vị này, đột phá công nghệ chính là một trong 6 xu hướng nổi cộm mà doanh nghiệp cần quan tâm nếu muốn phát triển trong thời kỳ hiện nay cũng như thời gian tới.

 

Đề cập đến thời đại công nghiệp 4.0 đang được nhắc tới rất nhiều, ông Thiên dẫn số liệu từ Đại học Oxford cho biết: Dến năm 2030, 50% công việc ở nước Mỹ hiện tại sẽ “biến mất”, theo đó người lao động sẽ chuyển sang làm những việc khác.

 

Trong khi đó ở Việt Nam, ông Thiên cho rằng nhiều công việc thế giới bỏ qua lâu rồi chúng ta vẫn đang phải làm. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt, con người Việt bước vào thời đại 4.0 một cách chủ động là điều cần được tính đến.

 

Bên cạnh những thay đổi về công nghệ, ông Thiên cho biết còn 5 xu hướng nổi cộm khác rất quan trọng đối với dự báo nền kinh tế trong thời gian tới. Nắm được các vấn đề này, theo ông Thiên, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để chọn lựa chiến lược, chính sách cho minh.

 

Cụ thể, đó là các vấn đề lớn như: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhân khẩu học, đảo ngược toàn cầu hoá, bất đình đẳng, biến đổi khí hậu…

 

Nói tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ông Thiên cho rằng: khi hai “ông lớn” nhất thế giới “choảng” nhau thì sự ảnh hướng đến nền kinh tế toàn cầu là cực kỳ lớn.

 

Ông Trần Đình Thiên cũng thừa nhận cuộc chiến thương mại này sẽ gây khó khăn cũng rất nhiều với Việt Nam.

 

Theo ông Thiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động rất mạnh tới Việt Nam do đây là 2 đối tác thương mại lớn nhất ở cả hai chiều. "Việt Nam lâm vào thế lưỡng nan khi xu hướng tác động cả tích cực, tiêu cực đều rất mạnh", ông Thiên nhận xét.

 

Ông cũng lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy tỷ giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi 11 tháng qua VND đã tăng 7% so với nhân dân tệ. Nếu nhân dân tệ tiếp tục mất giá, các ngành thuỷ sản, phân bón, sắt thép... sẽ gặp bất lợi vì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, trong khi nhập khẩu tăng và phải cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc tại thị trường nội địa.

 

Trong khi đó dệt may, ôtô, dược phẩm... được dự báo là những ngành hưởng lợi nhờ giá dầu giảm. Ngoài ra, dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc cũng có tác động hai mặt. "Chưa thể lường hết tác động", ông Thiên kết luận.

 

Dẫu vậy, vẫn có những cơ hội lớn được mở ra từ cuộc chiến này, ông Thiên cho biết: “Nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao trong cuộc chiến này. Tôi cho rằng, chắc chắn sẽ có cơ hội. Thậm chí, có thể cuộc đấu này có thể sẽ là cơ hội lớn đế bứt khỏi sự phụ thuộc kinh tế, cũng sẽ là cơ hội “kiếm ăn”. Nhưng điều quan trọng ở đây là đừng mải mê nhặt nhạnh những cơ hội nhỏ nhặt mà hãy coi đây là cơ hội mang tính lịch sử, phải tận dụng cơ hội này bằng thực lực và sự bài bản”, ông Thiên nói.

 

Cũng theo ông Thiên, nhiều dự báo về nguồn vốn đang rút khỏi Trung Quốc “chạy” sang Việt Nam. Tuy nhiên nếu nó thực sự đổ sang nhiều Việt Nam có hấp thụ được không, hay bội thực, đó là vấn đề cần được tính tới.

 

“Cũng phải nhận thấy rằng, không chỉ doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp châu Âu… mà còn cả luồng vốn từ doanh nghiệp Trung Quốc chạy sang. Như vậy Việt Nam đứng trước cơ hội lựa chọn các dự án đầu tư. Nếu có năng lực thì rất tốt. Còn ngược lại thì đáng e ngại”, ông Thiên nhận định.

 

“Các nghiên cứu chỉ ra rằng của cải giàu lên ở thế giới chủ yếu ở châu Á. Tuy nhiên, dân số Đông Á đang già nhanh hơn các khu vực khác. Sang Nhật Bản, Hàn Quốc chúng ta thấy rõ điều này. Giờ thì đang đến lượt Trung Quốc. Việc táo riết tăng trưởng nhanh thì xu hướng này sẽ đến nhanh hơn”, ông Thiên nói. Theo vị này, đây cũng là vấn đề cần được các doanh nghiệp quan tâm trong chiến lược phát triển của mình.

Các bài viết liên quan

Tin sự kiện

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút